Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

23/12/2008: Kích cầu không chỉ là chôn tiền xuống đất

Đăng trên Vietnamnet 23/12/2008 khi CP bắt đầu bàn về kích cầu. Lưu trong trung tâm lưu trữ của CIEM

Cha đẻ của biện pháp kích cầu kinh tế J.M.Keynes có 1 câu nói nổi tiếng về mức độ ảnh hưởng của chính sách này: "Chỉ cần Chính phủ chôn tiền xuống đất rồi chỉ cho người dân đến đào lên cũng có thể làm nền kinh tế tăng trưởng. "
Dĩ nhiên đây chỉ là 1 cách nói quá của Keynes, nhưng quả thật, đấy cũng là 1 cách kích cầu nền kinh tế nếu chỉ nhằm mục đích duy trì việc làm và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Câu nói này được lí giải như sau. Khi người dân đào được tiền, họ sẽ dùng lượng tiền ấy mua các hàng hóa như bánh mì, quần áo, giầy dép ... Điều này sẽ khiến tăng lượng cầu hàng hóa và làm cho người sản xuất làm ra nhiều hàng hóa hơn và làm cho nền kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên việc đào đất lấy tiền này không thực sự sản xuất ra của cải vất chất cho xã hội, mà chỉ làm tăng lượng cầu hàng hóa và sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát trong nền kinh tế. Nền kinh tế sẽ tiếp tục lâm vào khủng hoảng khi người dân không có đủ tiền để để mua hàng hóa. Vòng xoáy khủng hoảng sẽ lặp lại với mức độ nghiêm trọng hơn.
Nếu như, thay vì chôn tiền xuống đất, Chính phủ thực hiện 1 dự án nông nghiệp, trả tiền cho những người dân tham gia cày cuốc vỡ hoang ruộng đất để trồng cấy hoa màu. Điều này vừa kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn bằng cách giải quyết việc làm và tăng cầu hàng hóa đồng thời cũng làm tăng năng lực sản xuất, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong dài hạn. Biện pháp này sẽ giải quyết khủng hoảng 1 cách ổn thỏa hơn so với biện pháp "chôn tiền" kia.
Vì vậy vấn đề quan trọng trong kích cầu kinh tế là kích cầu vào đâu để tạo ra lợi ích dài hạn cho xã hội.
Cần nhìn lại rằng khủng hoảng kinh tế là do sự mất cân đối trong cơ cấu sản xuất của nền kinh tế. Khủng hoảng có 2 mặt, thứ nhất là làm sụp đổ cơ cấu cũ đã bất hợp lí, thứ 2 là tạo tiền đề để xây dựng cơ cấu mới phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Khủng hoảng nếu để tự nhiên sẽ đi quá mức cần thiết bởi quán tính của nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng không đáng có. Sự tự điều chỉnh của thị trường sẽ triệt để hơn trong việc xóa bỏ cái bất hợp lí nhưng cũng khiến cho nền kinh tế bị hủy hoại nhiều năng lực sản xuất hơn. Vai trò của nhà nước trong quá trình tái cấu trúc này là làm cho sự điều chỉnh đến một cách nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn bằng cách can thiệp vào nền kinh tế để tránh sự sụp đổ quá mức cũng như giúp trật tự mới được xây dựng nhanh hơn.
Kích cầu trong thời kì khủng hoảng là việc bơm tiền cho nền kinh tế để các doanh nghiệp không bị tình trạng thiếu thanh khoản dẫn đến phá sản. Duy trì nền sản xuất ở mức không gây xáo trộn mạnh trong xã hội để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế cho phù hợp. Để việc kích cầu như là 1 biện pháp điều tiết của nhà nước Có 2 mục đích song hành trong việc kích cầu là duy trì sản xuất tránh xáo trộn mạnh và tái cấu trúc nền kinh tế. Về bản chất kích cầu nền kinh tế là sử dụng tiền như công cụ phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế theo hướng chủ đích của chính phủ. Nó thể hiện vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường khi nền kinh tế đối mặt với khó khăn mà các chủ thể khác khác vốn chạy theo các lợi ích ngắn hạn không thể gánh vác được vai trò này.

Kích cầu ở Trung quốc và Mĩ .
Trước tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, Mĩ và Trung quốc đều lên kế hoạch kích thích nền kinh tế với các gói giải pháp trị giá hàng trăm tỉ đô-la . Tuy nhiên, tình hình 2 nước có nhiều điểm khác nên chính sách kích cầu này cũng có nhiều điểm khác nhau.

Với Trung quốc là một nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn từ nhiều năm, dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, họ đang là chủ nợ của nhiều quốc gia. Trước tình hình kinh tế suy thoái, tình hình xuất khẩu khó khăn, để tránh sự sụt giảm đột ngột của thị trường đầu ra , Trung quốc lên kế hoạch gói đầu tư 900 tỉ vào cơ sở hạ tầng , tạo hiệu ứng lan tỏa để hấp thụ hết lượng hàng hóa không xuất khẩu hết. Với lượng dự trữ ngoại tệ hiện nay, Trung quốc không lo lượng tiền này sẽ làm cho đồng nhân dân tệ bị mất giá, họ chỉ đang sử dụng lại những của cải mà trước đây họ cho các nước khác vay, giờ quay trở lại Trung quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống cho người dân Trung quốc.Tức là Trung quốc phải cấu trúc lại nền kinh tế từ sản xuất để xuất khẩu sang 1 nền kinh tế tiêu dùng nội địa nhiều hơn.

Với nước Mĩ, thâm hụt thương mại trong một thời gian dài khiến cho doanh nghiệp cũng như chính phủ phải tìm nguồn tài trợ bằng cách phát hành trái phiếu, mà người mua là các nước xuất khẩu nhiều vào Mĩ như Trung quốc hay các nước Trung đông. Tức là nước Mĩ hiện đang vay nợ quốc gia xuất khẩu hàng tiêu dùng Trung quốc và các quốc gia xuất khẩu dầu ở Trung đông. Đứng trước khó khăn, nước Mĩ buộc phải cấu trúc lại nền kinh tế từ tiêu thụ sang một nền kinh tế có khả năng xuất khẩu nhiều hơn. Nghĩa là các doanh nghiệp kém hiệu quả trong cạnh tranh như oto Mĩ (so với ô tô Nhật bản) buộc phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất để chuyển năng lực sản xuất sang các lĩnh vực mà nước Mĩ có nhiều lợi thế như nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay giáo dục đào tạo .v..v.. Điều này lí giải tại sao quốc hội Mĩ chưa thông qua kế hoạch giải cứu ngành oto. Chắc chắn nước Mĩ sẽ phải có gói giải pháp cứu ngành công nghiệp này vì đây là 1 ngành then chốt tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mĩ, để nó sụp đổ hoàn toàn sẽ gây ra khủng hoảng xã hội sâu sắc mà những hậu quả nó gây ra sẽ vô cùng tai hại. Tuy nhiên tình hình hiện giờ chưa đến mức đấy, quốc hội Mĩ vẫn để cho thị trường thực hiện sứ mệnh của mình, đó là buộc các hãng ô to phải thu hẹp sản xuất, một số hãng tệ nhất sẽ phải phá sản, những hãng còn lại phải tự năng động tìm kiếm lối thoát cho mình trước khi có được sự hỗ trợ từ chính phủ. Đây là biện pháp đúng, bởi nếu không, việc ứng cứu ngay bây giờ sẽ lại giống như việc Fed cắt giảm lãi suất trong 1 thời gian dài từ năm 2001 đến 2005. Biện pháp này giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tề Mĩ mà không chữa được các khuyết tật của nó. Việc này đã dẫn đến khủng hoảng ở mức độ nghiêm trọng hơn trong tương lai, đó chính là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Kích cầu nền kinh tế Việt nam.
Nhìn lại quá khứ,Việt nam đã có 1 kinh nghiệm đối phó với giảm phát vào năm 1998-1999 khi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực xảy ra làm giảm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt nam. CPI các năm giảm từ 9,2% năm 1998 xuống 0,1% năm 1999 rồi âm 0,6% năm 2000. Khi đó Việt nam thực hiện kích cầu bằng cách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, các nhà máy mía đường ... Sau gần 10 năm nhìn lại , sự vắng vẻ trên đường Hồ chí minh và thua lỗ của các nhà máy mía đường được đầu tư trong giai đoạn này là điều cần được nhìn nhận khi đánh giá về hiệu quả của chính sách. Nếu kể về tác dụng của chính sách này thì đó là việc duy trì công ăn việc làm cho nhiều lao động , tạo sự ổn định xã hội để nền kinh tế tăng tốc vào giai đoạn sau này. Nó chỉ giải quyết đuợc 1 mệnh đề của kích cầu là làm giảm sự phá hủy của suy thoái , còn mệnh đề thứ 2 là định hướng xây dựng cơ cấu mới của nền kinh tế thì chưa rõ ràng.
Sự tăng tốc của nền kinh tế Việt nam trong giai đoạn 2001-2007 cần phải được nhìn nhận là do sự tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài do kinh tế toàn cầu phục hồi, mở rộng thị trường qua hiệp định thương mại Việt Mĩ, cộng với các thay đổi chính sách về quản lí doanh nghiệp tư nhân hơn là do hiệu quả từ các biện pháp kích cầu mang lại.
Xét trong thời điểm hiện nay, cuộc khủng hoảng có qui mô rộng lớn hơn rất nhiều, tác động mạnh tới những đối tác thương mai, đầu tư của Việt nam khiến cho xu hướng bảo hộ sản xuất trong các nước này tăng lên. Khả năng tiếp tục thu hút mạnh được FDI và mở rộng được thị trường xuất khẩu là khá khó khăn. Thế nên ,khác với 10 năm trước, việc kích cầu nếu chỉ nhằm mục đích duy trì ổn định mà không có những chính sách tái cơ cầu nền kinh tế thì rất khó duy trì sự tăng trưởng vào giai đoạn sau khủng hoảng.
Hiện nay, có nhiều đề xuất kích cầu vào cơ sở hạ tầng, bất động sản, tức là sẽ dồn các nguồn lực của xã hội vào để xây dựng nhà cửa, đường xá. Nhìn qua thì thấy đây là một biện pháp rất có lợi khi nhiều người dân hiện chưa có nhà ở, và sự phát triển của thị trường xây dựng sẽ kéo theo các thị trường vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, v..v... phục hồi theo, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Nhưng đấy chỉ là cái nhìn trước mắt, cần thấy rằng trong 10 năm qua nền kinh tế Việt nam đang ở vị trí của người đi vay nợ khi thâm hụt thương mại qua các năm liên tục tăng. Nguồn vốn tài trợ cho thâm hụt thương mại này, bên cạnh FDI và kiều hối còn là các khoản vay nợ nước ngoài mà chính phủ dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như tài trợ cho dự án của 1 số tổng công ty lớn. Xét về vị thế thương mại, tín dụng thì Việt nam đang trong tình trạng đi nhập siêu, vay nợ; ở khía cạnh này Việt nam giống Mĩ chứ không phải Trung quốc.
Nếu tiếp tục tăng cường đầu tư cho cơ sở ha tầng tức là tiếp tục dồn các nguồn lực trong nước cũng như vay nợ nước ngoài để tạo ra các sản phẩm đầu cuối phục vụ cho tiêu dùng của người dân, nhằm nâng cao mức sống của người dân, trong khi gánh nặng nợ nần tiếp tục gia tăng . Không có 1 sự tăng trưởng xuất khẩu đề cân bằng lại với thâm hụt thương mại và vay nợ thì sớm muốn Việt nam sẽ lâm vào 1 tình trạng khó khăn hơn nhiều. Làm như vậy , cũng không khác lắm so với việc chính phủ đi chôn tiền rồi chỉ cho người dân đào lên. Trước mắt thì tốt nhưng về lâu dài tức là Việt nam đang tự đẩy mình vào sâu hơn trong vòng xoáy khủng hoảng.
Để tránh trường hợp xấu này, cần phải có 1 sự kích cầu vào các ngành Việt nam có lợi thế , duy trì thị trường để các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, tái đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. Không phân biết các doanh nghiệp này thuộc thành phần nào nhà nước hay tư nhân, cần tạo sự cạnh tranh để các doanh nghiệp xuất sắc nhất sẽ là các đầu tàu đưa Việt nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Tăng cường năng lực sản xuất để có vị trí vững chắc theo hướng tiến lên trong chuỗi sản xuất của thế giới, xuất khẩu được hàng hóa lấy tiền để trả nợ.
Trong nguy có cơ. Nếu mục đích của chính phủ chỉ là tránh cho nền nền kinh tế khỏi suy thoái trong ngắn hạn thì các biện pháp kích cầu vào 1 ngành chiếm tỉ trọng GDP lớn như xây dựng là không sai. Nhưng nếu có cái nhìn dài hạn, tận dụng thời cơ thì phải để cho khủng hoảng tiếp tục sứ mệnh thanh lọc những chủ thể yếu kém của thị trường ,chỉ sử dụng các nguồn lực của xã hội khi sự điều chỉnh của thị trường gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Còn sử dụng phần lớn những nguồn lực kích cầu vào các lĩnh vực mà Việt nam có lợi thế, vào những thành phần kinh tế có hiệu quả nhất, tạo ra nhiều giá trị nhất để kích cầu thực sự là cú hích quan trọng giúp nền kinh tế Việt nam cất cánh sau giai đoạn khó khăn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét