Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

13/3/2009: Kinh tế suy thoái liệu giá cả có suy giảm ?

Đăng trên báo Lao động 13/3/2009 khi báo chí nói nhiều đến nguy cơ giảm phát. Tòa soạn vì lí do kô muốn sử dụng từ "kinh tế suy thoái" trong hoàn cảnh hiện tại nên đề nghị đổi tên thành: Tiêu dùng nội địa vẫn tăng.

Trong thời gian qua có 2 số liệu được công bố gây nhiều chú ý là kim ngạch xuất nhập khẩu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 2 tháng đầu năm 2009 :

Số liệu thứ nhất, lần đầu tiên sau rất nhiều năm Việt nam đã xuất siêu 294tr $ trong 2 tháng đầu năm, trong đó xuất khẩu vàng (đá quí và kim loại quí) là 939tr$ tăng hơn 30 lần so với cùng kì năm ngoái (1). Nếu chỉ nhìn qua con số xuất siêu thì dường như xuất khẩu của Việt Nam vẫn vững vàng và đang gánh đỡ cho nhập khẩu . Nhưng nếu bỏ qua yếu tố vàng thì 2 tháng đầu năm Việt nam vẫn nhập siêu 645 tr$, xuất khẩu giảm 15,4% so với cùng kì, mức giảm nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Xuất khẩu là động cơ quan trọng nhất giúp kinh tế Việt nam tăng tốc trong thời gian qua, khi động cơ này có vấn đề bởi thị trường đầu ra thu hẹp, nguy cơ suy thoái kinh tế của Việt nam trở nên rất gần.

Số liệu thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2009 tăng 0,32% so với tháng 12/2008; CPI của tháng 2/2009 tăng 1,15% so với tháng 1/2009 (2) . Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng ngay cả tháng sau tết mặc dù theo thường lệ giá cả sau tết sẽ giảm so với tháng tết. Điều này cho thấy, hiện nay tổng cầu của hàng hóa tiêu dùng trong nước không hề suy giảm . Giá cả tiếp tục tăng cho thấy chưa có dấu hiệu nào của nguy cơ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước đang ở tình trạng thừa cả. Khi các dự án xây dựng lớn được tài trợ bằng vốn vay được khởi công như cầu Nhật Tân (13,6 nghìn tỉ), đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (16 nghìn tỉ), đường cao tốc Hà nội – Lào cai (20 nghìn tỉ VND), đường cao tốc Hà nội – Hải phòng (35 nghìn tỉ VND) … thì tổng cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước khó có thể giảm so với tháng 1, tháng 2 năm 2009. Giá điện, giá nước chưa tăng, các dự án mới chưa triển khai, kích cầu chưa bắt đầu mà giá đã tăng thì điều dễ thấy là giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

2 số liệu trên cho thấy kinh tế Việt nam hiện nay có 2 gam màu khác nhau, xuất khẩu sụt giảm nhưng tiêu dùng nội địa vẫn tăng. Không thể gọi 1 cách chung chung là tổng cầu đang suy giảm để đẩy mạnh việc tung tiền ra kích cầu cho mọi thành phần kinh tế. Cầu chỉ giảm đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt nam bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị không bán được hàng, đối mặt với nguy cơ đóng cửa và sa thải công nhân. Còn tổng cầu hàng hóa tiêu dùng nội địa không hề giảm và chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nội tại của nền kinh tế Việt nam kéo dài từ năm 2001 đến 2008 đó là tăng trưởng tín dụng quá nóng, mất cân đối trong việc đầu tư quá nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả . Hậu quả của nó là lạm phát tăng tăng mạnh trong thời gian vừa qua và đến bây giờ vấn tiếp tục tăng. Chưa có cơ sở nào để lập luận rằng tiền từ gói kích cấu này sẽ được những người công nhân và gia đình họ mua các hàng hóa xuất khẩu như sơ mi Việt tiến thay cho quần áo Trung quốc nhập lậu , hay dùng tôm đông lạnh làm thức ăn trong bữa cơm hằng ngày để gánh đỡ cho khu vực xuất khẩu đang có nguy cơ đình đốn.

Trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay,nếu cứ tiếp tục kích cầu cho nhu cầu trong nước bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phục vụ trong nước mà không thấy rằng khu vực xuất khẩu mới cần được hỗ trợ nhiều nhất sẽ dẫn đến tình trạng khu vực sản xuất cho nội địa sẽ có việc làm, có thu nhập nhưng giá cả tăng còn khu vực xuất khẩu thì sẽ chịu cảnh giá cả tăng đồng thời mất việc làm, mất thu nhập.

((1) Nguồn: Bộ Công Thương

((2) Nguồn: Tổng cục thống kê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét