Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Chúng ta đang ở đâu trong khủng hoảng

Đây là bài viết mình mình đã bắt đầu với những ý tưởng cốt lõi từ tháng 9/2008 và gần như hoàn thành xong vào tháng 10/2009. Mặc dù cố gắng thêm bớt, chỉn chu câu chữ nhưng đến giờ mình vẫn ko thể hoàn thành nó theo đúng ý định mong muốn. Đã mất quá nhiều công sức với nó nhưng vẫn phải từ bỏ việc viết lách nghiên cứu, đành cho nó lên blog như một kỉ niệm về một cuộc sống "lí thuyết" vậy:

Chúng ta đang ở đâu trong khủng hoảng ?

Đã hơn 1 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính tồi tệ nhất thế giới kể từ cuộc đại suy thoái 1929-1933 bắt đầu nổ ra từ thị trường nhà đất Mĩ, thế giới đã trải qua những đợt suy giảm rồi hồi phục của các thị trường chứng khoán, thị trường các loại hàng hóa cơ bản cũng như chỉ số GDP của các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên vẫn còn đó câu hỏi về hướng đi sắp tới của nền kinh tế thế giới, có thực là chúng ta đã đã vượt qua khủng hoảng và đang trên đà hồi phục hay vẫn còn nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kép sẽ xảy ra ? Bài viết này nhằm mục đích xem lại nguyên nhân của khủng hoảng, tìm hiểu tình hình hiện tại của nền kinh tế thế giới và dự đoán những gì sắp tới sẽ diễn ra.

1. Nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng:

Tại sao một cuộc khủng hoảng lại xảy ra ? Trước hết chúng ta cùng xem lại một nền kinh tế phát triển và mở rộng như thế nào .

Chúng ta biết rằng, nền kinh tế vận hành là sự kết hợp của lao động và các tư liệu sản xuất (vốn) dựa trên công nghệ tác động vào tài nguyên thiên nhiên, tạo ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của con người. Trong một chu kì sản xuất, hàng hóa và dịch vụ được làm ra, một phần được tiêu dùng ngay, phục vụ cho nhu cầu tồn tại hằng ngày của con người . Phần hàng hóa dịch vụ còn lại không sử dụng ngay, được tiết kiệm, và được đem đầu tư để mở rộng sản xuất vào chu kì sau. Chính nhờ lượng hàng hóa, dịch vụ tiết kiệm này, nền kinh tế liên tục được mở rộng, sản xuất ra nhiều hàng hóa dịch vụ hơn làm cho mức sống của người dân được tăng lên.



Con người luôn có những nhu cầu kinh tế từ cơ bản như thực phẩm để ăn uống , rồi đến áo quần để mặc; tiếp theo là những nhu cầu cao cấp hơn như tivi tủ lạnh, ô tô biệt thự bể bơi ... Một nền kinh tế tăng trưởng và phát triển là một nền kinh tế có tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng được các nhu cầu ngày một cao của các thành viên trong của nó.Trong quá trình phát triển của nền kinh tế, các nhu cầu cơ bản ở thang độ thấp sẽ được đòi hỏi đáp ứng trước, sau đó mới đến các nhu cầu cao hơn. Ví dụ, khi nhu cầu về thực phẩm đã được đáp ứng, thì mọi người sẽ có nhu cầu nhiều hơn về quần áo . Nhu cầu cao hơn về mặt hàng này sẽ đẩy giá quần áo lên cao khiến cho tỉ suất lợi nhuận vào ngành này tăng. Các nguồn lực được tiết kiệm của nền kinh tế là vốn và lao động sẽ được đầu tư vào ngành may mặc để sản xuất ra nhiều quần áo hơn. Khi quần áo đuợc sản xuất nhiều hơn, giá cả sẽ giảm khiến cho tỉ suất lợi nhuận của ngành này giảm đi. Các thành viên của nền kinh tế sẽ nhìn giá cả như là tín hiệu của thị trường để quyết định có tiếp tục đầu tư các nguồn lực của mình vào ngành may mặc hay sẽ chuyển sang lĩnh vực khác.
Trong trường hợp các nguồn lực của nền kinh tế được đầu tư quá nhiều cho ngành may mặc, khiến cho sản lượng quần áo dư thừa trong khi ngành sản xuất thực phẩm do thiếu đầu tư nên sản lượng bị thiếu hụt. Lúc này các sản phẩm may mặc là thừa khi những người có khả năng thanh toán không còn nhu cầu nữa, còn những người mới chỉ đủ tiền cho các loại hàng hóa thực phẩm thường ngày có nhu cầu về quần áo lại kô có khả năng chi trả. Điều này dẫn tới một cuộc khủng hoảng là sự dư thừa tạm thời của các sản phẩm may mặc dù nhiều người trong nền kinh tế vẫn muốn có nó. Giá các sản phẩm may mặc giảm xuống trong khi giá thực phẩm tăng lên khiến cho các nguồn lực của nền kinh tế tự động chảy bớt từ ngành may mặc sang ngành thực phẩm. Sự biến động này khiến cho những người cuối cùng tham gia đầu tư vào ngành may mặc chịu nhiều thiệt hại khi giá cả giảm xuống. Tuy nhiên cả nền kinh tế có thể nhìn thấy sai lầm này và tự động điều chỉnh phân bổ nguồn lực hợp lí hơn cho các chu kì kinh tế tiếp theo.
Do vậy, có thể thấy nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng kinh tế là do sự mất cân đối của dòng chảy các nhân tố sản xuất, khi chảy quá nhiều vào một số khu vực này và quá ít vào một số khu vực khác của nền kinh tế so với cầu có khả năng thanh toán thực tế của các khu vực này. Để giải quyết khủng hoảng, kinh tế gia tiền bối A.Smith và sau này là triết gia tự do F.A.Hayek cho rằng hãy tôn trọng bàn tay vô hình của thị trường, khi khủng hoảng xảy ra thì tốt nhất là chính phủ không nên làm gì cả. Việc can thiệp của chính phủ thường là đi theo những lợi ích ngắn hạn nhằm ngăn cản sự tự điều chỉnh của thị trường , sẽ chỉ đẩy sự mất cân đối lên mức cao hơn và gây ra khủng hoảng lớn hơn sau này .

2. Khi khủng hoảng không chỉ do sự mất cân đối trong nội bộ nền kinh tế của một quốc gia

Nền kinh tế thế giới bao gồm nhiều nền kinh tế của các nước có trình độ lao động, vốn, công nghệ, tài nguyên khác nhau. Nếu như trong phạm vi một nước, các nguồn lực này có thể tự do chảy đến nơi chúng được sử dụng hiệu quả nhất thì giữa các nước khác nhau chúng bị những rào cản về chính trị, địa lí cản trở. Các nền kinh tế khác nhau giống như các hồ nước ở những độ cao khác nhau, bị chắn bởi các con đập khiến cho nước từ các hồ cao không thể chảy xuống được các hồ thấp. Nếu chỉ có các đường ống nhỏ thông nhau giữa các hồ thì sẽ kô gây ra biến động quá lớn, nhưng nếu cửa đập bị vỡ, nước tràn ra sẽ gây những xáo động lớn với mực nước của cả hồ cao và hồ thấp. Tương tự như vậy, khi các rào cản về chính trị, địa lí giữa các quốc gia được dỡ bỏ sẽ có 1 quá trình xáo trộn, dịch chuyển giữa các luồng chu chuyển vốn, lao động, công nghệ giữa các nước trên thế giới. Sự dịch chuyển này sẽ gây ra những xáo trộn trong cơ cấu kinh tế của cả nơi đi và nơi đến của các luồng chảy này. Mở cửa nhỏ sẽ gây ra những xáo trộn nhỏ, mở cửa lớn sẽ gây ra những xáo trộn lớn.
Trong nửa thế kỉ qua, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều khu vực kinh tế khác nhau như Trung mĩ, Đông bắc á, Đông nam á , Nam á … Trong đó, sự trỗi dậy của Trung quốc là lớn nhất, công nghiệp hóa của đất nước này đã đưa hơn 300 triệu nông dân thành những công nhân sản xuất tập trung trong các khu công nghiệp. Đây là qui mô công nghiệp hóa chưa từng có trong lịch sử từ thời cách mạng công nghiệp Anh cho đến nay. Đến năm 2001,việc gia nhập WTO của TQ đã mở cửa xả cho lực lượng lao động khổng lồ có giá rẻ này gia nhập thị trường toàn cầu. Mặc dù lực lượng lao động này chưa được tự do di động ra khắp thế giới nhưng những hàng hóa mà lao động giá rẻ kết tinh trong đó đã thực sự tuôn chảy khắp thế giới. Cho dù TQ phải nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu thô từ dầu mỏ, cao su, quặng sắt, bô xít .v.v… từ khắp nơi trên thế giới với giá thị trường nhưng hàng hóa thành phẩm của họ lại rẻ hơn các nước khác. Nguyên nhân của điều này là chi phí lao động trên mỗi sản phẩm thấp khiến cho hàng hóa có giá rẻ. Chúng ta nói nhiều đến việc TQ neo tỉ giá của đồng nhân dân tệ ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu và cho rằng nó thấp hơn giá trị thực. Tất cả các chính phủ trên thế giới đều biết rằng neo tỉ giá ở mức thấp sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng tại sao chỉ mình TQ thực hiện được điều này ? Đồng nhân dân tệ yếu không phải là nguyên nhân gây ra thặng dư thương mại của TQ mà nó chỉ là hệ quả của việc TQ có một lượng lớn lao động được tổ chức tốt có giá rẻ so với thế giới .
Sự chiếm lĩnh của các loại hàng hóa mà lao động TQ kết tinh trong đó khiến cho các nghành sản xuất tương tự của nhiều nước đi trước như Mĩ bị phá sản. Lực lượng đao động dư thừa này trở thành 1 nguồn lực để đầu tư vào các ngành sản xuất cao hơn. Nước Mĩ đã đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng chất xám và công nghệ cao như ngân hàng tài chính, phần mềm máy tính, y tế giáo dục, thể thao, phim ảnh v.v… Mọi việc vẫn sẽ tốt đẹp nếu Mĩ sản xuất ra nhiều hàng hóa mà Trung quốc sẵn sàng mua hơn. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phân công lao động giữa các nước trên thế giới theo hướng các nước như Mĩ tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, còn Trung quốc sẽ nhích dần theo các nấc thang phát triển. Nhưng tốc độ phát triển của các nước nghèo như Trung quốc quá nhanh, còn các nước giàu như Mĩ vẫn chưa có bước đột phá quan trọng trong các ngành cao cấp mà họ dồn các nguồn lực đầu tư nhằm tạo ra những giá trị mới . Điều này dẫn đến sự mất cân bằng thương mại khi dòng chảy hàng hóa từ TQ sang Mĩ lớn hơn nhiều dòng ngược lại.
TQ có thể nâng đồng NDT sớm hơn để cân bằng cán cân thương mại và nâng cao đời sống người dân trong nước. Điều gì khiến họ kô chọn phương án này ? TQ là một nước có lượng tài nguyên trên đầu người thấp hơn mức trung bình thế giới vì dân số quá lớn. Nếu họ tiêu dùng ngay hôm nay thì khi lực lượng lao động già đi, thế mạnh về lao động giá rẻ không còn nữa. Khi đó với một dân số già, tài nguyên thiên nhiên ít, cơ cấu kinh tế lạc hậu họ sẽ mãi mắc kẹt ở nấc thang sản xuất thấp của thế giới. TQ thắt lưng buộc bụng, hạn chế tiêu dùng cho thế hệ ngày hôm nay để có nhiều vốn nhanh chóng chuyển nền kinh tế sang nấc thang cao hơn và mua được nhiều tài nguyên thô cũng như công nghệ hiện đại của các nước đi trước phục vụ cho một chiến lược dài hơi hơn của mình.
Sự mất cân đối về hàng hóa khi TQ đạt thặng dư thương mại lớn so với Mĩ dẫn đến việc TQ có 1 lượng lớn USD và dự trữ dưới dạng trái phiếu chính phủ Mĩ. Việc này thực chất là sự tài trợ của TQ cho nước Mĩ các sản phẩm mà TQ xuất khẩu. Việc TQ mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp Mĩ khiến lãi suất của nước này có thể ở mức thấp trong một thời gian dài. Lãi suất thấp cộng với sự phát triển của các công cụ tài chính phái sinh đã giúp cho các dự án bất động sản dễ dàng thu hút vốn đầu tư từ các khu vực khác của nền kinh tế trong nước cũng như nước ngoài. Thực chất là nền kinh tế TQ và chính nền kinh tế Mĩ đã liên tục dồn các nguồn lực của mình để phát triển các dự án nhà ở phục vụ cho giấc mơ mỗi gia đình sở hữu một ngôi nhà riêng với đầy đủ tiện nghi của nước Mĩ. Và giống như câu chuyện về thực phẩm và quần áo ở trên, nền kinh tế đã dồn quá nhiều nguồn lực vào ngành xây dựng và quá ít vào các ngành khác khiến cho giá các các loại nguyên vật liệu, năng lượng, hàng hóa dịch vụ khác tăng cao trong khi các ngôi nhà lại không bán được vì những người muốn mua lại không đủ khả năng chi trả. Khủng hoảng đã nổ ra để điều chỉnh lại sự mất cân đối này .
Ở châu Âu , sự ra đời của khu vực kinh tế sử dụng chung đồng Euro đã làm giảm bớt các rào cản ngăn trở hàng hóa và tài chính giữa các nước trong khối. Tuy vậy, dù dùng chung một đồng tiền nhưng mỗi nước lại có những chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách phúc lợi khác nhau. Việc sử dụng chung một đồng tiền đáng lẽ có thể biến châu Âu thành một nền kinh tế cạnh tranh hơn với sự phân công lao động trên qui mô lớn hơn. Nhưng trong thực tế sự tồn tại của đồng Euro lại tạo điều kiện cho một số quốc gia như Hy lạp hay Bồ đào nha dễ dàng vay mượn để tiêu dùng trong khi nước Đức chăm chỉ làm việc và tiết kiệm. Khủng hoảng cũng cần phải diễn ra để điều chỉnh lại sự mất cân đối này.
Xét theo một khía cạnh nào đấy, cuộc khủng hoảng nổ ra từ 9/2008 là một phần tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa thế giới của chúng ta, khi công nghệ liên tục phát triển và các chính sách tự do hóa thương mại làm giảm bớt những hàng rào cản trở các luồng chu chuyển nhân tố sản xuất của nền kinh tế thế giới. Nó khiến cho các dòng chảy nhân tố sản xuất có thể dễ dàng chảy được đến nơi nó nó phát huy hiệu quả tốt nhất. Nó khiến cho các nền kinh tế vốn ít phụ thuộc vào nhau nay xích lại gần nhau hơn và khiến cho sự mất cân đối của các luồng chảy nhân tố sản xuất vốn trước kia chỉ xảy ra trong phạm vi quốc gia nay xảy ra ở qui mô lớn hơn giữa nhóm các quốc gia.

3. Chúng ta đang ở đâu trong khủng hoảng ?

Cũng giống như khủng hoảng trong nội bộ nền kinh tế 1 quốc gia, khủng hoảng kinh tế gây ra bởi sự mất cân đối giữa các nền kinh tế trên khắp thế giới cũng sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp với các điệu kiện của nó mà kô cần đến sự can thiệp của nhà nước , tuy nhiên một sự mất cân đối với qui mô lớn hơn sẽ gây ra các hậu quả rất nghiêm trọng như chúng ta đã thấy trong cuộc đại khủng hoảng 1930 – 1933.
Khi khủng hoảng xảy ra, với sự bắt đầu từ việc tái cấu trúc lại thị trường tài chính rồi tái cấu trúc thị trường hàng hóa. Sự điều chỉnh lại các luồng chu chuyển này dẫn đến sự đóng băng các luồng chảy vốn và hàng hóa trong một thời gian. Đầu tiên các ngân hàng đứng trước viễn cảnh khó khăn của nền kinh tế nên co mình lại , hạn chế cho vay, làm cho luồng chảy của tín dụng bị ách tắc gây ra sự thiếu thanh khoản tràn lan do hiệu ứng dây chuyền. Điều này đẩy các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng … sụt giảm mạnh mẽ do nhu cầu tiền mặt của thị trường tăng lên. Sau sự đình trệ của thị trường tài chính, thị trường hàng hóa cũng gặp khó khăn trong quá trình tái cấu trúc. Những nơi sản xuất nhiều hàng hóa xuất khẩu giờ sẽ phải tăng mức tiêu dùng nội địa, trong khi đó những nơi trước đây tiêu dùng nhiều sẽ phải hạn chế mức tiêu dùng đi, sản xuất ra nhiều hàng hóa mà các nước khác có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn. Nhưng trong quá trình tái cấu trúc này, nhiều hãng sản xuất đồ xuất khẩu phải ngừng sản xuất, nhiều hàng hóa bị dư thừa do những thị trường tiêu thụ trước đây giảm mức tiêu dùng. Sự đóng băng tạm thời của luồng chu chuyển hàng hóa khiến cho nhiều cty phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa làm tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao khiến cho chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trong nước được cổ vũ càng làm cho luồng chảy hàng hóa bị ngăn trở. Điều này khiến cho quá trình tái cấu trúc của các nền kinh tế bị ngăn trở và đau đớn hơn. Chính những biến động xã hội rất lớn sau đó là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 với hậu quả vô cùng khủng khiếp.
Khi bàn tay vô hình của A.Smith đòi hỏi quá nhiều chi phí để sửa chữa những mất cân đối của thị trường thì J.M.Keynes xuất hiện. Keynes nói với chúng ta rằng khi công suất của các nhà máy dư thừa, mà tổng cầu của nền kinh tế lại sụt giảm, cần phải có một bàn tay hữu hình của nhà nước mua lượng hàng hóa dư thừa này nhằm giúp nền kinh tế không rơi vào tình trạng suy thoái . Phương pháp của Keynes là mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ của chính phủ, tăng cầu hàng hóa cho nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp có thêm tiền mặt, tăng tính thanh khoản cho các thị trường tiền tệ và hàng hóa. Chính sách này đã phát huy tác dụng ở Mĩ trong những năm 60 thế kỉ trước dưới thời tổng thống Kenendy, khi nền kinh tế trở nên trì trệ thì các phương pháp kích thích của chính phủ đã phát huy tác dụng giúp cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên sự can thiệp của chính phủ với bàn tay hữu hình thường chỉ chạy theo các lợi ích ngắn hạn của các chính trị gia. Sự mở rộng liên tục của chính sách tài khóa và tiền tệ để tài trợ cho các dự án của chính phủ Mĩ khiến tình trạng lạm phát gia tăng và đến năm 1971, chế độ bản vị vàng bị phá vỡ. Thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách kép dẫn đến sự thoái trào của Keynesims trong thập niên 70 . Đến đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, chúng ta thấy sự trở lại của chủ nghĩa tân cổ điển ở Châu Âu và Mĩ , đòi hỏi sự quay lại của bàn tay vô hình, nhà nước can thiệp vào thị trường càng ít càng tốt. Xu hướng này vẫn tiếp tục cho đến trước cuộc khủng hoảng 2008 với nền tảng cơ bản là đồng thuận Washington cổ vũ cho xu hướng tư do hóa nền các nền kinh tế. Vấn đề không phải là Keynes hay A.Smith đúng , vấn đề là ở chỗ khi năng suất bị giới hạn, chúng ta lại quá thiên tả hoặc thiên hữu, chúng ta lại nắm quá chặt tay phải hay tay trái của chiếc xe đạp kinh tế. Cả sự điều tiết và tự do đều cần thiết, nó chỉ gây hại khi chúng ta quá nghiêng về bên nào.
Vậy làm như thế nào để chiếc xe đạp kinh tế giữ cân bằng và tiến lên phía trước ? Khi có sự mất cân bằng thì khủng hoảng là quá trình tự tái cấu trúc lại nền kinh tế phù hợp với các điều kiện của nó. Vấn đề là phải cấu trúc lại các rào cản giữa các nền kinh tế ở mức độ nào để phù hợp với sự chênh lệnh về tài nguyên, lao động, khoa học và vốn giữa các nền kinh tế. Điều này làm chúng ta nhớ đến một luận điểm quan trọng của Mác là quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất. Ở một góc độ nào đấy, luận điểm này đưa ta đến cách nhìn rằng: mức độ mở cửa các nền kinh tế phải phù hợp với các điều kiện chênh lệnh giữa các nền kinh tế để việc chuyển đổi được diễn ra một cách từ từ tránh các biến động quá mạnh.
Câu chuyện về việc Nhật bản nâng đồng Yên lên giá so với Đô la Mĩ khiến cho các thị trường tài sản bùng nổ rồi vỡ tan gây ra sự trì trệ kinh tế đến tận hiện nay có nhiều điểm khác với câu chuyện Trung quốc. Tại thời điểm cuối những năm 80, kinh tế Nhật đã ở nấc thang cao nhất, với các sản phẩm điện tử xuất khẩu có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, nước Nhật có mức thu nhập đầu người cao nhất thế giới. Họ đã ở trên đỉnh của kinh tế thế giới rồi. Sự trì trệ của nền kinh tế Nhật trong 20 năm qua chủ yếu là do họ bị chậm chân khi cải tổ kinh tế so với Mĩ, khi nước Mĩ sau khủng hoảng những năm 70 đã tiến mạnh vào cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong khi nước Nhật vẫn còn loay hoay cải tổ những mô hình sản xuất công nghiệp đã làm nên thành công trong quá khứ. Còn Trung quốc hiện nay vẫn chỉ là một nước có thu nhập đầu người bằng 1/15 Mĩ, sản phẩm xuất khẩu phần lớn là gia công dựa trên nguồn lao động dồi dào giá rẻ. Chỉ cần các rào cản thương mại quốc tế kô bị chặn lại, xu hướng mở rộng tự do của nền kinh tế trong nước kô bị chặn lại thì dù TQ có nâng giá đồng nhân dân tệ, họ vẫn còn có nhiều không gian để phát triển và xu hướng mở rộng xuất khẩu khó có thể đảo chiều.
Những thông tin vừa qua về khủng hoảng châu Âu làm thị trường chứng khoán sụt giảm rồi bật lên khiến nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kép đã qua. Song đó chỉ là diễn biến trên thị trường chứng khoán vốn luôn đi trước nền kinh tế thực từ 3 đến 6 tháng còn sự phục hồi của nền kinh tế thế giới chưa tới đỉnh của chữ V đầu tiên. Đợt giảm giá của DJ trong tháng 5 phần nhiều do dự kiến của việc thoát dần khỏi các chính sách kích cầu của nền kinh tế Mĩ. Các biện pháp nới lỏng sẽ khó có thể tiếp tục diễn ra nhưng sự thắt chắt lại sẽ diễn ra một cách từ từ và nền kinh tế thực vẫn còn đang trong đà tăng trưởng cuối do ảnh hưởng từ các biện pháp kích thích kinh tế từ đầu năm 2009. Nền kinh tế sẽ được điều tiết bằng sự thắt chặt rồi nới lỏng xen kẽ của chính sách tiền tệ ở mực độ nhỏ để duy trì tình trạng hiện nay. Tốc độ tăng trường kinh tế mặc dù vẫn dương nhưng sẽ không còn được như giai đoạn vừa rồi nữa. Nền kinh tế sẽ tiếp tục dao động trong 1 xu hướng đi lên nhẹ vì với hiện trạng của các rào cản thì các nước đang phát triển như TQ, Ấn độ, Braxin… với nhiều tiềm năng vẫn có xu hướng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, để có một bước đột phá đi lên của cả nền kinh tế thế giới, cần phải có những phát minh then chốt ở các nước phát triển như Mĩ, Nhật, Đức để tạo xu hướng đi lên cho cả nền kinh tế thế giới .

Mô hình phục hồi của nền kinh tế thế giới:



4. Thế giới cần những phát kiến công nghệ mới để chiếc bánh kinh tế to hơn và có đủ cho nhiều người hơn

Chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu chứ kô phải một thế giới thừa hàng hóa. Trong thời kì khủng hoảng, sự dư thừa một số mặt hàng là chỉ là tạm thời. Chúng ta thừa những thứ không cần và thiếu những cái cần, nó giống như trường hợp thiếu thực phẩm và thừa quần áo ở trên. Đây là vấn đề về cơ cấu sản xuất của nền kinh tế không phù hợp gây ra sự bất hợp lí giữa cung và cầu của nền kinh tế gây ra sự dư thừa tạm thời.
Những mối lo về sự dư thừa công suất và kêu gọi đẩy mạnh xuất khẩu của các nước trên thế giới chỉ là trước mắt . Trong dài hạn, tất cả các quốc gia đều thiếu tài nguyên và nguồn lực cho nhu cầu ngày càng cao của người dân nước mình. Nhu cầu của con người là rất lớn và ngày càng lớn thêm khi ngày càng có nhiều người muốn có một mức sống trung lưu với một ngôi nhà riêng, nội thất tiện nghi cùng với phương tiện giao thông cá nhân như ở châu Âu hay bắc Mĩ. Với cách sử dụng tài nguyên như hiện nay của loài người, thì để hàng tỉ người ở châu Á, Mĩ la tinh, châu Phi có đuợc cuộc sống như vậy lượng tài nguyên cần thiết phải lớn gấp nhiều lần mức hiện có của trái đất. Thế giới cần các công nghệ mới hơn, hiện đại hơn để có thể sử dụng hiệu quả các tài nguyên hiện có này cho nhiều người hơn.
Việc áp dụng những công nghệ đột phá mới sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm bớt tiêu hao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển của sản xuất. Thế giới cần những bước tiến lớn như cuộc cách mạng khoa học công nghệ cuối thế kỉ 19 với động cơ hơi nước giúp thay thế thay thế sức lao động cơ bắp của con người bằng máy móc cơ khí. Hệ thống đường sắt giúp chuyên trở hàng hóa và con người dễ dàng hơn và rẻ hơn, giúp xóa nhòa ranh rới giữa các khu vực của nền kinh tế với nhau. Sau cuộc khủng hoảng 1930-1933, con người có những bước tiến về công nghệ năng lượng và vật liệu, điện tử. Những công nghệ này giúp con người có thể điều khiển được năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự, thông tin liên lạc dễ dàng với mọi nơi trên thế giới, khám phá những thế giới mới như ngoài vũ trụ hay dưới biển sâu … Sau đợt khủng hoảng những năm 1970, nước Mĩ đi đầu trong phát triển công nghệ tin học và công nghệ sinh học, giúp nâng cao năng suất trong việc tính toán quản lí cũng như có những bước tiến lớn tạo ra những giống lương thực năng suất cao, công nghệ sinh học còn giúp con người có chất lượng cuộc sống cao hơn và lao động năng suất được lâu dài hơn.
Bữa tiệc nào cũng có lúc kết thúc, cơn bão nào rồi cũng sẽ qua đi. Sự mất cân đối của luồng chu chuyển tài chính và hàng hóa của thế giới sẽ tiến dần theo hướng dẫn tới điểm cân bằng trong các điều kiện của nó và nền kinh tế sẽ dần thịnh vượng trở lại. Cùng với sự phát triển của công nghệ thì tự bản thân sự mở cửa các nền kinh tế, xóa bỏ các rào cản cũng là 1 cách nâng cao năng suất, cũng là một phát minh về công nghệ để chiếc bánh kinh tế lớn hơn. Hy vọng với những thay đổi sau khủng hoảng, kinh tế thế giới sẽ có những tiền đề cần thiết để mở rộng và phát triển, tạo điều kiện cho mọi người trên thế giới có cuộc sống tốt đẹp hơn./

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

The hurt locker – Chiến tranh là một thứ gây nghiện


Bài này đã đăng trên Thể thao văn hóa.

The hurt locker (*) - bộ phim vừa đánh bại siêu phẩm Avatar và đạt 6 giải Oscar trong đó có giải phim hay nhất và dựng phim xuất sắc nhất làm nhiều người bất ngờ. Điều gì khiến một bộ phim có kinh phí 11tr $ có thể đánh bại một Avatar gây chấn động thế giới với 300tr $ đầu tư ?

Trước hết là cách kể chuyện của bộ phim. Một bộ phim, rốt cục là việc kể lại cho người xem một câu chuyện bằng hình ảnh và âm thanh. Đối với đa số các bộ phim được xây dựng dựa trên tiểu thuyết có cùng một kết cấu như sau : có vài nhân vật chính, giữa các nhân vật chính có mâu thuẫn với nhau, bộ phim sẽ kể lại cho người xem các nhân vật chính giải quyết mâu thuẫn thế nào, thêm thắt vào đó là những nhân vật phụ và điều quan trọng nhất là phải lồng vào trong đó 1 câu chuyện tình yêu. Thông qua các tình tiết và cách giải quyết mâu thuẫn, thông điệp của bộ phim sẽ đc truyền đến khán giả . 90% các bộ phim mà chúng ta xem có kết cấu như vậy ! Đó là cách làm phim khá cổ điển dựa trên cách viết truyện khá cổ điển ! Đối thủ nặng ký tranh giải Oscar năm nay là bộ phim Avatar cũng theo phong cách này.
Nhưng The Hurt Locker lại không phải là một bộ phim mang phong cách cổ điển như vậy ! Xem The Hurt Locker ta như xem một bộ phim tài liệu, một bộ phim gồm các đoạn phim giới thiệu về việc phá mìn và chiến đấu của quân Mĩ ở Iraq . Từ cách cầm máy quay đôi khi rung rung mờ mờ, góc quay từ phía sau lưng quân Mĩ và kẻ thù lúc ẩn lúc hiện phía các góc đường xa xa đến cách lia máy quay đôi khi rất gấp gáp như giật mình vì nghe tiếng nổ ở phía bên cạnh... thật sự là không khác mấy so với các bản tin chiến trường trên CNN hay BBC . Cách xây dựng phim này giống cách viết truyện hiện đại, kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chỉ nói đến những gì mình chứng kiến chứ không phải sắm vai chúa trời biết tất cả mọi việc như trong cách kể chuyện cổ điển. Hiệu ứng đem lại là khán giả có cảm giác chân thật và tin tưởng vào những gì mình nhìn thấy trên màn ảnh là sự thật ngoài đời .

Nhân vật chính của phim là James, một người lính có ngoại hình bình thường, không đẹp trai như Tom Cruise trong Sinh ngày 4 tháng 7, không dữ dằn góc cạnh như Willem Dafoe trong Trung đội, không lãng tử bất cần đời như Sylvester Stallone trong Rambo ... đó chỉ là một người lính Mĩ da trắng điển hình dễ bị mất hút giữa đám đông quân lính.Tất nhiên đó chỉ là ngoại hình, còn trong các tình huống của phim James luôn là người dũng cảm đi đầu vào những nơi khó khăn, anh ta vô cùng bình tĩnh và khôn ngoan trước các âm mưu đặt bom hay phục kích của kẻ thù . Khi bị ngắm bắn sau lưng, James trấn an đồng đội tiêu diệt kẻ ngắm bắn, khi phải phá bom do kẻ thù cài lại, James luôn biết rằng cách hành động dường như nguy hiểm nhất lại là cách an toàn và hiệu quả nhất. James đã phá hơn 800 quả bom mà kô bị thương, cách anh phá bom thản nhiên và chuyên nghiệp như nông dân Việt nam trồng lúa nước hay công nhân Trung quốc lắp ráp đồ chơi trẻ em vậy !
James kô phải là siêu nhân. Trong The hurt locker không có các siêu nhân, chỉ có những người lính bình thường, họ chuyên nghiệp lúc chiến đấu nhưng cũng có lúc rượu chè, đánh lộn ... và cả đôi khi chớm trong đầu ý nghĩ sát hại nhau vì tức giận. James rất giỏi nhưng anh ta cũng giống mọi người lính Mĩ khác.

Nếu nội dung chỉ có vậy, The hurt locker có lẽ đúng là 1 bộ phim tài liệu "Lính Mĩ sống và chiến đấu như thế nào ở Iraq" hoặc cùng lắm là "Một anh hùng phá bom của quân đội Mĩ sống và chiến đầu như thế nào" . Điều chủ yếu làm nên sự khác biệt giữa một bộ phim tài liệu chiến tranh và một tác phẩm điện ảnh được đề cử 9 giải Oscar nằm ở 20 phút cuối cùng . Một người đàn ông Iraq bị ép buộc phải đánh bom liều chết bằng cách gắn bom quanh người . Ông ta cầu xin sự giúp đỡ của lính Mĩ và muốn sống sót về với gia đình.Thời gian chỉ còn 2 phút, cả đội phá bom đều hiểu rằng không còn đủ thời gian để giải cứu người đàn ông này. Tuy nhiên James vẫn cố gắng sử dụng mọi biện pháp đến những giây cuối cùng. James mở được một khóa nhưng còn rất nhiều khóa khác, chỉ còn 3 giây, James buộc phải bỏ chạy để sống sót. Vụ nổ làm James bị thương nhưng anh vẫn có thể lái xe về căn cứ. Trong câu chuyện trên xe của James với đồng đội, người xem mới vỡ lẽ ra rằng, khác với ý nghĩ ban đầu cho rằng James dám dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất có thể vì anh không có gì để mất. Trái lại, anh có một mái ấm hạnh phúc ở hậu phương, nơi có người vợ đẹp và một đứa con trai kháu khỉnh chờ anh. Khi trở về quê nhà , sống yên bình cùng vợ con, vẫn luôn có một điều gì thôi thúc James quay lại với cuộc sống người lính trước kia. Như câu nói mở đầu bộ phim : Chiến tranh là một thứ gây nghiện (War is a drug), James đăng kí trở lại Iraq và hình ảnh ngày đầu tiên trở lại Iraq của James là hình ảnh cuối cùng của bộ phim.
Đến đây thì bộ phim không còn khó hiểu nữa. James chính là hình ảnh của nước Mĩ và bộ phim là những lời phân trần cho hành động quân sự của nước Mĩ hiện nay . Kể từ thế chiến thứ 2 đến giờ, quân đội Mĩ luôn là quân đội năng động nhất thế giới, hầu như bất kì cuộc xung đột vũ trang nào trên thế giới đều dẫn đến sự có mặt của quân Mĩ. Cả thế giới đặt câu hỏi là điều gì khiến cho họ như mắc nghiện với chiến tranh vậy ? Câu trả lời mà người Mĩ muốn gửi đến thế giới nằm trong bộ phim này. Hình ảnh của James như hiện thân của quân đội Mĩ, anh ta giỏi giang mạnh mẽ và có cả những thói quen xấu của người lính, nhưng trên hết anh ta rất tình người . Anh ta đến không phải để xâm chiếm hay tàn sát, anh ta đến để giúp những người dân bình thường, để gỡ ngòi nổi những cuộc xung đột, giết hại lẫn nhau tại những quốc gia này.

Không đề cao hay phủ nhận cuộc chiến mà người Mĩ tiến hành ở Iraq, bộ phim chỉ xây dựng một hình ảnh người lính Mĩ mới. Sau hình ảnh một chàng thanh niên tràn đầy lí tưởng bị chiến tranh biến thành tàn phế và mất niềm tin về tương lai trong Sinh ngày 4 tháng 7; một người lính mạnh mẽ phải chiến đấu chống lại những người cùng hàng ngũ với mình trong Trung đội hay một cựu chiến binh trở nên lạc lõng với xã hội khi phục viên trở về trong Rambo ; giờ đây điện ảnh Mĩ lại có một hình tượng mới về người lính : trung sĩ William James trong The Hurt Locker – một người nghiện chiến tranh.


(*) The hurt locker – Theo như tôi đọc trong một số bài viết là một từ lóng quân sự dùng để chỉ chiếc hộp đựng các di vật của người lính khi họ hy sinh. Cách giải thích này tôi không dám khẳng định nhưng từ “locker” trong tiếng Mĩ được dùng để chỉ một chiếc hộp đựng những vật dụng quen thuộc như quần áo, giày dép.


Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

13/3/2009: Kinh tế suy thoái liệu giá cả có suy giảm ?

Đăng trên báo Lao động 13/3/2009 khi báo chí nói nhiều đến nguy cơ giảm phát. Tòa soạn vì lí do kô muốn sử dụng từ "kinh tế suy thoái" trong hoàn cảnh hiện tại nên đề nghị đổi tên thành: Tiêu dùng nội địa vẫn tăng.

Trong thời gian qua có 2 số liệu được công bố gây nhiều chú ý là kim ngạch xuất nhập khẩu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 2 tháng đầu năm 2009 :

Số liệu thứ nhất, lần đầu tiên sau rất nhiều năm Việt nam đã xuất siêu 294tr $ trong 2 tháng đầu năm, trong đó xuất khẩu vàng (đá quí và kim loại quí) là 939tr$ tăng hơn 30 lần so với cùng kì năm ngoái (1). Nếu chỉ nhìn qua con số xuất siêu thì dường như xuất khẩu của Việt Nam vẫn vững vàng và đang gánh đỡ cho nhập khẩu . Nhưng nếu bỏ qua yếu tố vàng thì 2 tháng đầu năm Việt nam vẫn nhập siêu 645 tr$, xuất khẩu giảm 15,4% so với cùng kì, mức giảm nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Xuất khẩu là động cơ quan trọng nhất giúp kinh tế Việt nam tăng tốc trong thời gian qua, khi động cơ này có vấn đề bởi thị trường đầu ra thu hẹp, nguy cơ suy thoái kinh tế của Việt nam trở nên rất gần.

Số liệu thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2009 tăng 0,32% so với tháng 12/2008; CPI của tháng 2/2009 tăng 1,15% so với tháng 1/2009 (2) . Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng ngay cả tháng sau tết mặc dù theo thường lệ giá cả sau tết sẽ giảm so với tháng tết. Điều này cho thấy, hiện nay tổng cầu của hàng hóa tiêu dùng trong nước không hề suy giảm . Giá cả tiếp tục tăng cho thấy chưa có dấu hiệu nào của nguy cơ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước đang ở tình trạng thừa cả. Khi các dự án xây dựng lớn được tài trợ bằng vốn vay được khởi công như cầu Nhật Tân (13,6 nghìn tỉ), đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (16 nghìn tỉ), đường cao tốc Hà nội – Lào cai (20 nghìn tỉ VND), đường cao tốc Hà nội – Hải phòng (35 nghìn tỉ VND) … thì tổng cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước khó có thể giảm so với tháng 1, tháng 2 năm 2009. Giá điện, giá nước chưa tăng, các dự án mới chưa triển khai, kích cầu chưa bắt đầu mà giá đã tăng thì điều dễ thấy là giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

2 số liệu trên cho thấy kinh tế Việt nam hiện nay có 2 gam màu khác nhau, xuất khẩu sụt giảm nhưng tiêu dùng nội địa vẫn tăng. Không thể gọi 1 cách chung chung là tổng cầu đang suy giảm để đẩy mạnh việc tung tiền ra kích cầu cho mọi thành phần kinh tế. Cầu chỉ giảm đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt nam bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị không bán được hàng, đối mặt với nguy cơ đóng cửa và sa thải công nhân. Còn tổng cầu hàng hóa tiêu dùng nội địa không hề giảm và chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nội tại của nền kinh tế Việt nam kéo dài từ năm 2001 đến 2008 đó là tăng trưởng tín dụng quá nóng, mất cân đối trong việc đầu tư quá nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả . Hậu quả của nó là lạm phát tăng tăng mạnh trong thời gian vừa qua và đến bây giờ vấn tiếp tục tăng. Chưa có cơ sở nào để lập luận rằng tiền từ gói kích cấu này sẽ được những người công nhân và gia đình họ mua các hàng hóa xuất khẩu như sơ mi Việt tiến thay cho quần áo Trung quốc nhập lậu , hay dùng tôm đông lạnh làm thức ăn trong bữa cơm hằng ngày để gánh đỡ cho khu vực xuất khẩu đang có nguy cơ đình đốn.

Trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay,nếu cứ tiếp tục kích cầu cho nhu cầu trong nước bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phục vụ trong nước mà không thấy rằng khu vực xuất khẩu mới cần được hỗ trợ nhiều nhất sẽ dẫn đến tình trạng khu vực sản xuất cho nội địa sẽ có việc làm, có thu nhập nhưng giá cả tăng còn khu vực xuất khẩu thì sẽ chịu cảnh giá cả tăng đồng thời mất việc làm, mất thu nhập.

((1) Nguồn: Bộ Công Thương

((2) Nguồn: Tổng cục thống kê

23/12/2008: Kích cầu không chỉ là chôn tiền xuống đất

Đăng trên Vietnamnet 23/12/2008 khi CP bắt đầu bàn về kích cầu. Lưu trong trung tâm lưu trữ của CIEM

Cha đẻ của biện pháp kích cầu kinh tế J.M.Keynes có 1 câu nói nổi tiếng về mức độ ảnh hưởng của chính sách này: "Chỉ cần Chính phủ chôn tiền xuống đất rồi chỉ cho người dân đến đào lên cũng có thể làm nền kinh tế tăng trưởng. "
Dĩ nhiên đây chỉ là 1 cách nói quá của Keynes, nhưng quả thật, đấy cũng là 1 cách kích cầu nền kinh tế nếu chỉ nhằm mục đích duy trì việc làm và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Câu nói này được lí giải như sau. Khi người dân đào được tiền, họ sẽ dùng lượng tiền ấy mua các hàng hóa như bánh mì, quần áo, giầy dép ... Điều này sẽ khiến tăng lượng cầu hàng hóa và làm cho người sản xuất làm ra nhiều hàng hóa hơn và làm cho nền kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên việc đào đất lấy tiền này không thực sự sản xuất ra của cải vất chất cho xã hội, mà chỉ làm tăng lượng cầu hàng hóa và sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát trong nền kinh tế. Nền kinh tế sẽ tiếp tục lâm vào khủng hoảng khi người dân không có đủ tiền để để mua hàng hóa. Vòng xoáy khủng hoảng sẽ lặp lại với mức độ nghiêm trọng hơn.
Nếu như, thay vì chôn tiền xuống đất, Chính phủ thực hiện 1 dự án nông nghiệp, trả tiền cho những người dân tham gia cày cuốc vỡ hoang ruộng đất để trồng cấy hoa màu. Điều này vừa kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn bằng cách giải quyết việc làm và tăng cầu hàng hóa đồng thời cũng làm tăng năng lực sản xuất, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong dài hạn. Biện pháp này sẽ giải quyết khủng hoảng 1 cách ổn thỏa hơn so với biện pháp "chôn tiền" kia.
Vì vậy vấn đề quan trọng trong kích cầu kinh tế là kích cầu vào đâu để tạo ra lợi ích dài hạn cho xã hội.
Cần nhìn lại rằng khủng hoảng kinh tế là do sự mất cân đối trong cơ cấu sản xuất của nền kinh tế. Khủng hoảng có 2 mặt, thứ nhất là làm sụp đổ cơ cấu cũ đã bất hợp lí, thứ 2 là tạo tiền đề để xây dựng cơ cấu mới phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Khủng hoảng nếu để tự nhiên sẽ đi quá mức cần thiết bởi quán tính của nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng không đáng có. Sự tự điều chỉnh của thị trường sẽ triệt để hơn trong việc xóa bỏ cái bất hợp lí nhưng cũng khiến cho nền kinh tế bị hủy hoại nhiều năng lực sản xuất hơn. Vai trò của nhà nước trong quá trình tái cấu trúc này là làm cho sự điều chỉnh đến một cách nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn bằng cách can thiệp vào nền kinh tế để tránh sự sụp đổ quá mức cũng như giúp trật tự mới được xây dựng nhanh hơn.
Kích cầu trong thời kì khủng hoảng là việc bơm tiền cho nền kinh tế để các doanh nghiệp không bị tình trạng thiếu thanh khoản dẫn đến phá sản. Duy trì nền sản xuất ở mức không gây xáo trộn mạnh trong xã hội để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế cho phù hợp. Để việc kích cầu như là 1 biện pháp điều tiết của nhà nước Có 2 mục đích song hành trong việc kích cầu là duy trì sản xuất tránh xáo trộn mạnh và tái cấu trúc nền kinh tế. Về bản chất kích cầu nền kinh tế là sử dụng tiền như công cụ phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế theo hướng chủ đích của chính phủ. Nó thể hiện vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường khi nền kinh tế đối mặt với khó khăn mà các chủ thể khác khác vốn chạy theo các lợi ích ngắn hạn không thể gánh vác được vai trò này.

Kích cầu ở Trung quốc và Mĩ .
Trước tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, Mĩ và Trung quốc đều lên kế hoạch kích thích nền kinh tế với các gói giải pháp trị giá hàng trăm tỉ đô-la . Tuy nhiên, tình hình 2 nước có nhiều điểm khác nên chính sách kích cầu này cũng có nhiều điểm khác nhau.

Với Trung quốc là một nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn từ nhiều năm, dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, họ đang là chủ nợ của nhiều quốc gia. Trước tình hình kinh tế suy thoái, tình hình xuất khẩu khó khăn, để tránh sự sụt giảm đột ngột của thị trường đầu ra , Trung quốc lên kế hoạch gói đầu tư 900 tỉ vào cơ sở hạ tầng , tạo hiệu ứng lan tỏa để hấp thụ hết lượng hàng hóa không xuất khẩu hết. Với lượng dự trữ ngoại tệ hiện nay, Trung quốc không lo lượng tiền này sẽ làm cho đồng nhân dân tệ bị mất giá, họ chỉ đang sử dụng lại những của cải mà trước đây họ cho các nước khác vay, giờ quay trở lại Trung quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống cho người dân Trung quốc.Tức là Trung quốc phải cấu trúc lại nền kinh tế từ sản xuất để xuất khẩu sang 1 nền kinh tế tiêu dùng nội địa nhiều hơn.

Với nước Mĩ, thâm hụt thương mại trong một thời gian dài khiến cho doanh nghiệp cũng như chính phủ phải tìm nguồn tài trợ bằng cách phát hành trái phiếu, mà người mua là các nước xuất khẩu nhiều vào Mĩ như Trung quốc hay các nước Trung đông. Tức là nước Mĩ hiện đang vay nợ quốc gia xuất khẩu hàng tiêu dùng Trung quốc và các quốc gia xuất khẩu dầu ở Trung đông. Đứng trước khó khăn, nước Mĩ buộc phải cấu trúc lại nền kinh tế từ tiêu thụ sang một nền kinh tế có khả năng xuất khẩu nhiều hơn. Nghĩa là các doanh nghiệp kém hiệu quả trong cạnh tranh như oto Mĩ (so với ô tô Nhật bản) buộc phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất để chuyển năng lực sản xuất sang các lĩnh vực mà nước Mĩ có nhiều lợi thế như nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay giáo dục đào tạo .v..v.. Điều này lí giải tại sao quốc hội Mĩ chưa thông qua kế hoạch giải cứu ngành oto. Chắc chắn nước Mĩ sẽ phải có gói giải pháp cứu ngành công nghiệp này vì đây là 1 ngành then chốt tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mĩ, để nó sụp đổ hoàn toàn sẽ gây ra khủng hoảng xã hội sâu sắc mà những hậu quả nó gây ra sẽ vô cùng tai hại. Tuy nhiên tình hình hiện giờ chưa đến mức đấy, quốc hội Mĩ vẫn để cho thị trường thực hiện sứ mệnh của mình, đó là buộc các hãng ô to phải thu hẹp sản xuất, một số hãng tệ nhất sẽ phải phá sản, những hãng còn lại phải tự năng động tìm kiếm lối thoát cho mình trước khi có được sự hỗ trợ từ chính phủ. Đây là biện pháp đúng, bởi nếu không, việc ứng cứu ngay bây giờ sẽ lại giống như việc Fed cắt giảm lãi suất trong 1 thời gian dài từ năm 2001 đến 2005. Biện pháp này giúp duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tề Mĩ mà không chữa được các khuyết tật của nó. Việc này đã dẫn đến khủng hoảng ở mức độ nghiêm trọng hơn trong tương lai, đó chính là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Kích cầu nền kinh tế Việt nam.
Nhìn lại quá khứ,Việt nam đã có 1 kinh nghiệm đối phó với giảm phát vào năm 1998-1999 khi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực xảy ra làm giảm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt nam. CPI các năm giảm từ 9,2% năm 1998 xuống 0,1% năm 1999 rồi âm 0,6% năm 2000. Khi đó Việt nam thực hiện kích cầu bằng cách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, các nhà máy mía đường ... Sau gần 10 năm nhìn lại , sự vắng vẻ trên đường Hồ chí minh và thua lỗ của các nhà máy mía đường được đầu tư trong giai đoạn này là điều cần được nhìn nhận khi đánh giá về hiệu quả của chính sách. Nếu kể về tác dụng của chính sách này thì đó là việc duy trì công ăn việc làm cho nhiều lao động , tạo sự ổn định xã hội để nền kinh tế tăng tốc vào giai đoạn sau này. Nó chỉ giải quyết đuợc 1 mệnh đề của kích cầu là làm giảm sự phá hủy của suy thoái , còn mệnh đề thứ 2 là định hướng xây dựng cơ cấu mới của nền kinh tế thì chưa rõ ràng.
Sự tăng tốc của nền kinh tế Việt nam trong giai đoạn 2001-2007 cần phải được nhìn nhận là do sự tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài do kinh tế toàn cầu phục hồi, mở rộng thị trường qua hiệp định thương mại Việt Mĩ, cộng với các thay đổi chính sách về quản lí doanh nghiệp tư nhân hơn là do hiệu quả từ các biện pháp kích cầu mang lại.
Xét trong thời điểm hiện nay, cuộc khủng hoảng có qui mô rộng lớn hơn rất nhiều, tác động mạnh tới những đối tác thương mai, đầu tư của Việt nam khiến cho xu hướng bảo hộ sản xuất trong các nước này tăng lên. Khả năng tiếp tục thu hút mạnh được FDI và mở rộng được thị trường xuất khẩu là khá khó khăn. Thế nên ,khác với 10 năm trước, việc kích cầu nếu chỉ nhằm mục đích duy trì ổn định mà không có những chính sách tái cơ cầu nền kinh tế thì rất khó duy trì sự tăng trưởng vào giai đoạn sau khủng hoảng.
Hiện nay, có nhiều đề xuất kích cầu vào cơ sở hạ tầng, bất động sản, tức là sẽ dồn các nguồn lực của xã hội vào để xây dựng nhà cửa, đường xá. Nhìn qua thì thấy đây là một biện pháp rất có lợi khi nhiều người dân hiện chưa có nhà ở, và sự phát triển của thị trường xây dựng sẽ kéo theo các thị trường vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, v..v... phục hồi theo, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Nhưng đấy chỉ là cái nhìn trước mắt, cần thấy rằng trong 10 năm qua nền kinh tế Việt nam đang ở vị trí của người đi vay nợ khi thâm hụt thương mại qua các năm liên tục tăng. Nguồn vốn tài trợ cho thâm hụt thương mại này, bên cạnh FDI và kiều hối còn là các khoản vay nợ nước ngoài mà chính phủ dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như tài trợ cho dự án của 1 số tổng công ty lớn. Xét về vị thế thương mại, tín dụng thì Việt nam đang trong tình trạng đi nhập siêu, vay nợ; ở khía cạnh này Việt nam giống Mĩ chứ không phải Trung quốc.
Nếu tiếp tục tăng cường đầu tư cho cơ sở ha tầng tức là tiếp tục dồn các nguồn lực trong nước cũng như vay nợ nước ngoài để tạo ra các sản phẩm đầu cuối phục vụ cho tiêu dùng của người dân, nhằm nâng cao mức sống của người dân, trong khi gánh nặng nợ nần tiếp tục gia tăng . Không có 1 sự tăng trưởng xuất khẩu đề cân bằng lại với thâm hụt thương mại và vay nợ thì sớm muốn Việt nam sẽ lâm vào 1 tình trạng khó khăn hơn nhiều. Làm như vậy , cũng không khác lắm so với việc chính phủ đi chôn tiền rồi chỉ cho người dân đào lên. Trước mắt thì tốt nhưng về lâu dài tức là Việt nam đang tự đẩy mình vào sâu hơn trong vòng xoáy khủng hoảng.
Để tránh trường hợp xấu này, cần phải có 1 sự kích cầu vào các ngành Việt nam có lợi thế , duy trì thị trường để các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, tái đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. Không phân biết các doanh nghiệp này thuộc thành phần nào nhà nước hay tư nhân, cần tạo sự cạnh tranh để các doanh nghiệp xuất sắc nhất sẽ là các đầu tàu đưa Việt nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Tăng cường năng lực sản xuất để có vị trí vững chắc theo hướng tiến lên trong chuỗi sản xuất của thế giới, xuất khẩu được hàng hóa lấy tiền để trả nợ.
Trong nguy có cơ. Nếu mục đích của chính phủ chỉ là tránh cho nền nền kinh tế khỏi suy thoái trong ngắn hạn thì các biện pháp kích cầu vào 1 ngành chiếm tỉ trọng GDP lớn như xây dựng là không sai. Nhưng nếu có cái nhìn dài hạn, tận dụng thời cơ thì phải để cho khủng hoảng tiếp tục sứ mệnh thanh lọc những chủ thể yếu kém của thị trường ,chỉ sử dụng các nguồn lực của xã hội khi sự điều chỉnh của thị trường gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Còn sử dụng phần lớn những nguồn lực kích cầu vào các lĩnh vực mà Việt nam có lợi thế, vào những thành phần kinh tế có hiệu quả nhất, tạo ra nhiều giá trị nhất để kích cầu thực sự là cú hích quan trọng giúp nền kinh tế Việt nam cất cánh sau giai đoạn khó khăn này.